Nữ "hiệp sĩ" 7 năm xuyên đêm cứu nạn giao thông
NỮ "HIỆP SĨ" 7 NĂM XUYÊN ĐÊM CỨU NẠN GIAO THÔNG
21h, từ chốt trực trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức, TPHCM), Nguyễn Hoàng Kim Ngân (30 tuổi) cùng các thành viên của đội cứu nạn bắt đầu công việc đi tuần tại các tuyến đường được xem là “điểm nóng” về tai nạn giao thông trên địa bàn. Hành trang họ mang theo trên chiếc xe máy là chiếc đèn pin, túi cứu thương… để sẵn sàng hỗ trợ cứu người trong trường hợp cần thiết. 
Vượt qua nỗi sợ của bản thân

"Trước đây, có thời điểm, trên địa bàn xảy ra nhiều tai nạn giao thông, nhất là vào dịp lễ, Tết. Nhiều đêm có 3-4 ca bị thương nặng, thậm chí có ca tử vong, khiến tôi và những người trong đội cảm thấy lo ngại", Kim Ngân chia sẻ.

Từng được sống trong sự bao bọc, yêu thương của gia đình, dễ xấu hổ trước đám đông nhưng giờ đây, số phận đã khiến Kim Ngân trở thành một "phiên bản" khác. Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc cứu nạn người gặp tai nạn giao thông, cô gái 9X này cho biết, ý tưởng về việc thành lập đội cứu nạn giao thông đến với Ngân sau khi người chị gái của cô qua đời vì tai nạn giao thông. 

Năm 2017, sau một thời gian tham gia đội hỗ trợ tình nguyện tại Đồng Nai, Ngân quyết định thực hiện dự định của mình.

Nữ “hiệp sĩ” 7 năm xuyên đêm cứu nạn giao thông- Ảnh 1.

Kim Ngân (phải) cùng cộng sự trong một lần sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông

Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 tại thành phố Thủ Đức ra đời, do Nguyễn Hoàng Kim Ngân làm Đội trưởng. Hiện nay, đội có 8 thành viên. Mỗi người có một hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng có chung mong muốn góp sức mình hỗ trợ, cứu giúp những người không may gặp nạn trên đường. 

Mỗi thành viên đã quen với công việc sơ cứu cơ bản cho người bị tai nạn như xử lý vết thương hở, cố định khung xương, băng bó… Khi tiếp nhận các trường hợp, họ nhanh chóng tiến hành sơ cứu, đưa nạn nhân đến bệnh viện bằng xe máy nếu tình trạng bị thương nhẹ.

Trong trường hợp nặng, đội sẽ tiến hành sơ cứu, chờ xe cứu thương đến. Và đúng như tên gọi của đội, các thành viên làm trên tinh thần tình nguyện. Các dụng cụ y tế phục vụ cho việc sơ cứu do các thành viên bỏ tiền túi của mình để mua.

Nữ “hiệp sĩ” 7 năm xuyên đêm cứu nạn giao thông- Ảnh 2.

Từng được sống trong sự bao bọc, yêu thương của gia đình, dễ xấu hổ trước đám đông nhưng giờ đây, số phận đã khiến Kim Ngân trở thành một "phiên bản" khác

"Thời gian đầu có rất nhiều khó khăn, trong đó nỗi sợ là một thử thách lớn. Bản thân tôi rất sợ nhìn thấy máu nhưng để cứu người, mình phải vượt qua nỗi sợ đó. Đôi lúc, chúng tôi gặp phải những người không hợp tác, thậm chí còn bị đánh bởi những người say xỉn. 

Làm công việc cứu nạn giao thông không chỉ cần có kiến thức y tế mà còn phải hiểu biết pháp luật. Bên cạnh sự vất vả, nếu không thực sự có tâm thì khó lòng làm được. Tôi thấy hạnh phúc khi giúp được người gặp nạn qua cơn nguy kịch và được mọi người tin tưởng”.

Chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân, Đội trưởng Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911

Những lúc như vậy, chúng tôi phải khéo léo để xử lý. Sau này, khi đã có sự công nhận của chính quyền, người dân thì công việc cũng trở nên dễ dàng hơn", Đội trưởng Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 tâm sự.

Chủ động học cách sơ cứu

Hiện nay, ở khu vực phía Nam nói chung và TPHCM nói riêng, có nhiều đội cứu hộ giao thông. Trong đó, Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 được nhiều người biết đến, chủ động liên hệ vào đường dây nóng khi phát hiện tai nạn giao thông trên đường. 

Nữ “hiệp sĩ” 7 năm xuyên đêm cứu nạn giao thông- Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng Kim Ngân cùng các thành viên Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911

Có được điều này là do Đội luôn có mặt nhanh chóng, hỗ trợ cứu sống được nhiều trường hợp gặp tai nạn. Số điện thoại đường dây nóng của đội theo đó cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng, kể cả ngày lễ, Tết.

Nguyễn Hoàng Kim Ngân chia sẻ, bản thân chị trước đây không có nhiều kiến thức về sơ cứu. Từ khi đến với việc cứu hộ, Ngân đã học hỏi không ngừng bằng cách quan sát, chủ động tham gia hỗ trợ bác sĩ xử lý vết thương để tích lũy kinh nghiệm. 

"Ban đầu, mình sơ cứu các vết thương nhỏ, học từ các cái nhỏ nhất. Rồi mình chạy xe máy đi theo nạn nhân đến tận bệnh viện để hỗ trợ. Dần dần mình được công an, bác sĩ biết đến, có bác sĩ còn chủ động chỉ dạy cho mình cách sơ cứu", Kim Ngân nói. 

Không chỉ hỗ trợ sơ cứu tại chỗ, bản thân cô và các thành viên trong đội khi đưa bệnh nhân vào bệnh viện còn hỗ trợ đưa họ đi khám, chụp chiếu, qua đó mà học hỏi được nhiều kiến thức trong việc sơ cứu, hỗ trợ người gặp tai nạn. Ngoài ra, các thành viên còn tự trang bị kiến thức về sơ cấp cứu qua tài liệu, sách vở, các lớp tập huấn ngắn hạn.

Với mong muốn hỗ trợ được nhiều hơn, tốt hơn cho những người gặp nạn trên đường, Kim Ngân đã quyết định theo học trung cấp y sĩ và cô chuẩn bị tốt nghiệp. Đội trưởng Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 dự định sau khi học xong trung cấp y sĩ sẽ tiếp tục học lên trình độ cao hơn. 

"Nhiều người hỏi tôi là sẽ làm công việc này đến bao giờ? Những lúc như thế, tôi thường trả lời rằng, tôi sẽ làm đến lúc không có ai gọi đến đội của chúng tôi nữa", Kim Ngân chia sẻ.

Thực hiện: Đông Quân

Với sự tích cực tham gia công tác tình nguyện, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, vào tháng 12/2022, Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 đã được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM trao tặng bằng khen.