Loạt “ông lớn” chốt lịch Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu năm sau

Minh Anh
14/12/2023 - 09:41
Loạt “ông lớn” chốt lịch Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu năm sau

Loạt “ông lớn” chốt lịch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu năm sau. Ảnh minh họa

Theo thống kê, các "ông lớn" gồm: FLC, Xây dựng Hòa Bình, Dầu khí Việt Nam đã chốt ngày tổ chức ĐHĐCĐ vào đầu năm 2024, nội dung xoay quanh các vấn đề về kế hoạch kinh doanh, các khoản nợ,...

Theo đó, CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC, HNX) sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 1 năm 2024 vào ngày 2/1/2024.

Nội dung cuộc họp tập trung vào việc Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ trình cổ đông về kết quả tái cơ cấu và bàn về kế hoạch kinh doanh năm 2024. Ngoài ra ĐHĐCĐ của FLC sẽ thông qua đơn từ nhiệm của ông Lê Thái Sâm, Thành viên HĐQT và ông Nguyễn Tri Thống, Thành viên Ban kiểm soát.

Tại sàn, vào cuối tháng 10 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ra quyết định tiếp tục duy trì hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu FLC. Nguyên nhân do công ty chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán tại năm 2022 và bán niên năm 2023.

FLC giải trình, do FLC và Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán BCTC riêng và hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021.

Đến nay, FLC vẫn chưa công bố các BCTC kiểm toán của năm 2021, 2022, quý 1/2023, bán niên 2023. Biến cố liên tiếp xảy ra kể từ khi cựu Chủ tịch HĐQT, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt do thao túng thị trường chứng khoán. Hiện, FLC không còn mã cổ phiếu nào được giao dịch.

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC, HOSE) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 27/1 năm sau, chốt danh sách cổ đông ngày 22/12/2023. Hiện tại, nội dung chưa được tiết lộ.

Xây dựng Hòa Bình tiếp tục tổ chức họp bất thường trong bối cảnh doanh nghiệp đang tập trung tái cấu trúc toàn diện, gồm: việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ.

Diễn biến tại sàn, HBC đang có thị giá dao động từ 7.000 – 8.000 đồng/cp trong 2 tháng gần đây, con số này đã duy trì từ 1 năm trước. Thời kỳ đỉnh cao của HBC xuất hiện từ tháng 1/2022 với 31.150 đồng/cp, tuy nhiên, mức đạt đỉnh này chỉ duy trì được trong 1 tháng, sau đó tụt dần xuống mức 17.000 và 8.000 đồng như hiện nay.

Diễn biến doanh thu và lợi nhuận tại Xây dựng Hòa Bình những năm gần đây

Loạt “ông lớn” chốt lịch Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu năm sau- Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp BCTC

Về tình hình kinh doanh năm nay, HBC đón nhận kết quả không mấy khả quan, doanh thu quý 3 chỉ đạt 1.893 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng cũng chỉ đạt 50% so với cùng kỳ tại 5.356 tỷ đồng.

Giá vốn cao khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 39,9 tỷ đồng, kèm theo phần lỗ trong các công ty liên doanh, liên kết khiến HBC lỗ tới 170,4 tỷ đồng trong quý 3. Tổng 9 tháng, công ty lỗ nặng 883,6 tỷ đồng, tạo khoảng cách lớn so với 61,2 tỷ đồng tiền lãi của 9 tháng đầu năm 2022.

Theo dõi các năm gần đây, dù doanh thu đạt cả nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận tại HBC vẫn khiêm tốn, thậm chí là lỗ.

Liên quan đến các khoản nợ của HBC, tổng tài sản tính đến hết tháng 9 giảm 12% so với thời điểm đầu năm, đạt 13.697 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ phải trả là 13.345 tỷ đồng, chiếm tới 97% tổng tài sản; vốn chủ sở hữu chỉ đạt vỏn vẹn 352 tỷ đồng, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm tới gần 900 triệu đồng.

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS, HNX) cũng đã thông báo về cuộc hợp ĐHĐCĐ bất thường sẽ được tổ chức vào ngày 17/1 năm sau, ngày đăng ký tham gia cuối cùng là 25/12/2023. Nội dung dự kiến sẽ liên quan đến việc chấp thuận các hợp đồng, giao dịch với người có liên quan của tổng công ty và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

Diễn biến này trong bối cảnh PVS đang trước thềm triển khai gói thầu tại dự án B – Ô Môn. Đây là chuỗi dự án khí điện trọng điểm của Việt Nam với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đến khi đưa được khí vào bờ vào khoảng 2,1 tỷ USD.

Loạt “ông lớn” chốt lịch Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu năm sau- Ảnh 2.

Diễn biến PVS từ đầu năm đến nay (Ảnh: SSI iBoard)

Cổ phiếu PVS đang được giao dịch tích cực trong năm nay, trong 2 tuần tháng cuối năm nay, PVS đã có lúc vượt đỉnh lên 41.200 đồng/cp. Hiện tại, thị giá đạt 37.900 đồng/cp, tăng 21% trong 4 tháng qua.
Kết thúc quý 3/2023, PVS đạt 4.176 tỷ đồng, tăng 19,2%, lũy kế 9 tháng cũng tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Kết quả, PVS thu về 143,5 tỷ đồng tiền lãi quý 3, giảm nhẹ 25,6% so với cùng kỳ, nguyên nhân được công ty giải trình do một số dịch vụ thấp hơn so với quý 3/2022, kèm theo chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Song, tổng 9 tháng, PVS vẫn đạt 606,2 tỷ đồng, tăng mạnh 33,6% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm